Chẩn đoán Angiostrongylus cantonensis

Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh do Angiostrongylus cantonensis có thời gian ủ bệnh từ 1-5 tuần (trung bình 2 tuần), hoặc 15-17 ngày hoặc chỉ 11-13 ngày, triệu chứng bệnh thường có sốt, nhức đầu là hai triệu chứng hay gặp nhất (đau đầu khu trú chủ yếu vùng chẩm và thái dương), cứng gáy, buồn nôn, nôn mửa, sốt thường nhẹ (37.8-390C), phát ban đỏ, ngứa, đau bụng và một số triệu chứng toàn thân; sốt có khi không rõ ràng, nhiều trường hợp hết sốt khi nhập viện mặc dù chưa điều trị bất kỳ một loại thuốc đặc hiệu. Đây là bệnh viêm màng não (do ký sinh trùng) nhưng dấu hiệu màng não khá ít, chỉ khoảng 30-48% số bệnh nhân. Bệnh nhân thường nhập viện trễ, trên 50% số ca đến nhập viện khi bệnh đã kéo dài hơn 2 tuần với một số chẩn đoán trước đó khá đa dạng là đau đầu do viêm mạch Horton, viêm màng não mủ, viêm não do virus, u não,… Tử vong do bệnh nhiễm KST này rất hiếm gặp.

Triệu chứng hệ thần kinh do A.cantonensis thường gây ra một số triệu chứng màng não, liệt một số dây thần kinh sọ não như dây III, IV, VI, VII, nhưng dấu thần kinh định vị chiếm tỷ lệ cao là ở liệt dây thần kinh sọ não VI, VII thường gặp nhất, 7-12% bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng tổn thương tủy sống (yếu, liệt một hoặc 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng). Tỷ lệ bệnh nhân có rối loạn tri giác cũng cao, nhưng mức độ rối loạn tri giác thường không nghiêm trọng, các triệu chứng khác như đau cơ, rối loạn cảm giác, hồng ban cũng khá thường gặp với tỷ lệ lần lượt 14%; 17% và 8%; dị cảm ở mặt, đau, yếu chi là các dấu chứng cũng thường gặp.

Chẩn đoán hình ảnh

Phần lớn các trường hợp nhiễm Angiostrongylus cantonensis có hình ảnh tổn thương khá rõ, song không điển hình cho một bệnh lý nào, tuy nhiên nếu kết hợp một số xét nghiệm khác như công thức bạch cầu, huyết thanh miễn dịch có thể cho chẩn đoán thấu đáo hơn. Trên hình ảnh lát cắt của phim chụp CT_Scanner hoặc MRI cho các hình ảnh nốt canxi hóa, vôi hóa trong nhu mô não, rãnh não,…

Thể bệnh ký sinh hoặc di chuyển trong hệ thần kinh và sang bộ phận thị giác, ở mắt có hiện diện của giun trưởng thành còn non A. cantonensis bên trong buồng trước của nhãn cầu đã được mô tả, hoặc có giảm thị lực, đau nhức hố mắt, sụp mi hoặc sa mi mắt (blepharospasm), viêm mống mắt thể mi (iridocyclitis) và tăng co giật nhãn cầu trên một số bệnh nhân. Triệu chứng ở phổi do A.cantonensis là triệu chứng khá điển hình phổ biến nhưng hiếm, một vài giun có thể di chuyển đến phổi gây viêm phổi nặng, dạng abces ổ trong nhu mô phổi, xuất tiết và xuất huyết.

Khai thác bệnh sử một số nhóm nghiên cứu ghi nhận bệnh nhân mắc loại KST này có liên quan đến bệnh là có tiền sử ăn ốc sống hoặc các chế phẩm tái sống từ ốc, hoặc ăn các loại rau thủy sinh dính chất nhớt từ ốc (52-64%) trước đó. Tuy nhiên, đây có thể là tập quán ăn uống và thói quen ăn uống của học nên chỉ xếp vào loại có nguy cơ. Bệnh nhân nhập viện nhiều nhất vào 3 tháng cuối năm ở các quốc gia có khí hậu nóng ẩm, thời điểm này là 3 tháng cuối mùa mưa, ốc cũng như các loài nghuyễn thể, thực vật thủy sinh, phát triển mạnh nhất, con người khi đó lại sử dụng nhiều rau, ốc, tôm, cá làm thức ăn chính và nếu không được nấu chín thì dễ dàng nhiễm bệnh.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Chẩn đoán xét nghiệm ký sinh trùng A.cantonensis dựa vào sự có mặt loại bạch cầu eosine trong dịch não tủy tăng cao, có kèm hay không tăng lympho bào (500 - 5.000 tế bào/mm3, với 20 - 90% là eosin), nhất là những trường hợp viêm màng não đến muộn, tăng proteine và giảm nhẹ glucose trong dịch não tủy. Hai yếu tố đóng góp rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh do Angiostrongyliasis là tiền sử có ăn các loại vật chủ trung gian nhiễm bệnh chính trong vùngvà bằng chứng về kháng nguyên hoặc kháng thể trong dịch não tủy hoặc trong mắt. Khoảng 27% số ca nhiễm giun A.cantonensis, người ta phát hiện tinh thể Charcot-Leyden có mặt trong dịch não tủy, cùng tăng bạch cầu, với tỷ lệ eosin ưu thế (> 10%), chẩn đoán có thể xác định bởi xét nghiệm huyết thanh miễn dịch như IF, EIA hoặc ELISA.

Chẩn đoán ELISA

Đa số trường hợp viêm màng não-não nghi do giun A.cantonensis khó chẩn đoán chắc chắn vì không thể bắt được giun làm chẩn đoán chuẩn vàng, có lẽ một xét nghiệm có độ đặc hiệu và độ chính xác cao là cần thiết để xác định chẩn đoán nguyên nhân, rất tiếc điều này vẫn đang ở phía trước và trong giai đoạn nghiên cứu; thực tiễn lâm sàng bệnh do A. cantonensis được xác định khi bắt được giun trong dịch não tủy, mà điều này lại hiếm khi thực hiện được.

Vì vậy, trên thế giới, người ta đã nghiên cứu nhiều kỹ thuật chẩn đoán gián tiếp nhưng đặc hiệu như kỹ thuật huyết thanh miễn dịch (phản ứng kết tủa, ngưng kết hồng cầu thụ động, ngưng kết latex, miễn dịch hấp thụ liên kết men, miễn dịch phóng xạ, khuếch tán gel kép,…). Trong số đó, kỹ thuật miễn dịch hấp phụ men (ELISA) tỏ ra thích hợp hơn trong chẩn đoán các bệnh KST thường quy tại các phòng xét nghiệm (do ít tốn sinh phẩm, hoá chất, thao tác đơn giản và có thể tự động hoá được). Ngoài ra, kỹ thuậy này có thể phát hiện được kháng thể (Ab-ELISA) và kháng nguyên lưu hành (Ag-ELISA).

Với mục đích góp phần chẩn đoán bệnh nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis ở người, nhiều kit ELISA ra đời để phát hiện ra kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên A. cantonensis (specific Ab-Ag), kỹ thuật miễn dịch hấp thụ men (ELISA) được nghiên cứu để chẩn đoán rất nhiều bệnh do ký sinh trùng, trong đó có bệnh A. cantonensis ở người. Kháng nguyên A. cantonensis ở nồng độ 3 ng/ml gắn kết với kháng thể có trong huyết thanh chứng (+) tạo thành phức hợp kháng nguyên-kháng thể (Ag-Ab). Phức hợp này được phát hiện bởi cộng hợp IgG thỏ kháng IgG người có gắn peroxydase với sự hiện diện của chất nền.

Hiệu giá kháng thể của các trường hợp nhiễm Angiostrongylus cantonensis được ghi nhận từ 1/400-1/ 6400 (tùy thuộc vào từng kit ELISA của các hàng khác nhau Song song với thử nghiệm, người ta cũng làm với mẫu huyết thanh của người tình nguyện khoẻ mạnh có hiệu giá kháng thể dao động từ 1/50-1/200. Phản ứng chéo (cross-reaction) cũng được ghi nhận giữa A. cantonensis với Gnathostoma spinigerum, sán lá phổi Paragonimus sp. và giun đũa chó Toxocara canis theo một số nghiên cứuy văn trong nước và thế giới.

Dù thế nào chăng nữa trong thời gian đến, cần có nghiên cứu nhân rộng đánh giá độ nhạy, độ chính xác, độ đặc hiệu và độ tương đồng (Kappa’ test) của ELISA với một số xét nghiệm cao cấp hơn. Chẩn đoán dựa vào kỹ thuật sinh học phân tử PCR cũng cho phép xác định sự có mặt của ký sinh trùng A.cantonensis trong nhu mô não, hoặc một số xét nghiệm miễn dịch khác được áp dụng trong nghiên cứu, song kết quả không đáng tin cậy trong chẩn đoán xác định bệnh như IFA, IHA, CIE.